Các tên gọi Bán đảo Đông Dương

Khu vực này ban đầu được người Pháp gọi là Indo – Chine (Ấn Độ - Trung Hoa) để chỉ khu vực nằm phía đông của Ấn Độ và phía nam Trung Quốc, chịu ảnh hưởng văn hóa của hai vùng này. Người Việt dùng tên gọi Đông Dương (Biển Đông), tương tự cách dùng tên gọi Tây Dương cho châu Âu, Tiểu Tây Dương cho bán đảo Ấn Độ, Nam Dương cho quần đảo Indonesia. Sách Giáo khoa sử dụng tên gọi bán đảo Trung-Ấn tương đương với Đông Nam Á lục địa, nhiều tài liệu sử dụng tên bán đảo Ấn – Hoa theo sát nghĩa của Indochine. Người Trung Quốc dịch âm Indo-Chine thành Ấn Độ Chi Na (印度支那). Người Hoa tại Đông Nam Á, Đài Loan thì gọi là Trung Nam bán đảo (中南半島).

Trong bán đảo Đông Dương đã từng tồn tại xứ Đông Dương thuộc Pháp, là các nước thuộc địa cũ của Pháp, gồm Annam (Trung kỳ), Cochinchine (Nam kỳ), Tonkin (Bắc kỳ) (cả 3 nay thuộc Việt Nam), Lào và Campuchia. Thời kỳ là thuộc địa của Anh, Miến Điện được coi là 1 phần của British India (Ấn Độ thuộc Anh), nhưng đôi khi người ta cũng dùng British Indochina (Indochina thuộc Anh) để chỉ Miến Điện. Theo nghĩa rộng thì Đông Dương có thể được gọi là Đông Nam Á lục địa (Mainland Southeast Asia).